Ngày 12/09, tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) diễn ra Lễ khai mạc “Hội nghị Khoa học Quốc tế IEEE lần thứ 12 về Hệ thống trên chip nhúng đa lõi xử lý và Trí tuệ nhân tạo” (MCSoC).
Tham dự hội nghị có TS. Vũ Tuấn Anh – Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ (ĐHQGHN), GS. Ryuichi Oka – Hiệu trưởng trường Đại học Aizu (Nhật Bản). Về phía Trường ĐHCN có PGS.TS. Chử Đức Trình- Phó Hiệu trưởng. Hội nghị có sự tham sự của hơn 130 nhà khoa học, nghiên cứu viên, và các chuyên gia tập đoàn công nghệ từ trong vào ngoài nước.
Hội nghị MCSoC được tổ chức lần đầu vào 2004 tại Đại học Aizu, Nhật Bản và trở thành một sự kiện khoa học lớn tầm cỡ quốc về cho cộng đồng các nhà nghiên cứu và công ty trong lĩnh vực hệ thống nhúng đa lõi xử lý.
Hội nghị thu hút được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu quốc tế tham gia
Phó Hiệu trưởng Chủ Đức Trình phát biểu chào mừng tại hội nghị
Phát biểu chào mừng, Phó Hiệu trưởng Chử Đức Trình bày tỏ sự vinh dự khi một hội nghị khoa học lớn tầm cỡ quốc tế được tổ chức ở Việt Nam và do Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) chủ trì nhân dịp kỷ niệm 25 năm Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội.Trường Đại học Công nghệ – một thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội – sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện sứ mệnh “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài” cho sự phát triển chung của xã hội. Để thực hiện được sứ mệnh đó, nhà trường đã hợp tác đào tạo và nghiên cứu với nhiều trường đại học, doanh nghiệp trên thế giới. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế MCSoC 2018 là một trong những cách tiếp cận nhanh và hiệu quả nhằm khuyến khích các họa động khoa học công nghệ và đào tạo chất lượng cao.
PGS.TS. Trần Xuân Tú phát biểu khai mạc tại hội nghị
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Trần Xuân Tú, Chủ tịch Hội nghị cho biết: Hội nghị MCSoC được tổ chức lần đầu tiên tại Nhật Bản (2004) và được duy trì hằng năm tại các nước tiên tiến với mục tiêu tạo ra cơ hội cho các nhà khoa học với giới công nghiệp gặp gỡ và thảo luận về các vấn đề nghiên cứu hiện đại trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, truyền thông, trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch, Internet-of-Things (IoT); chia sẻ và trao đổi các kết quả đạt được trong nghiên cứu và phát triển; gây dựng các mối quan hệ quốc trong nghiên cứu giữa trường đại học và khối công nghiệp. So với các lần tổ chức trước đây, MCSoC2018 năm nay có thêm ba phiên thảo luận về trí tuệ nhân tạo, một trong những lĩnh vực then chốt trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cụ thể, một phiên dành cho truyền thông đa phương tiện thông minh; một phiên dành cho các thuật toán và kiến trúc đào tạo, học máy trên chip; một phiên dành cho hệ thống tính toán mô phỏng não (neuromorphic computing) nhúng.
Năm nay, MCSoC nhận được 68 công trình chất lượng cao (142 tác giả) đến từ 16 quốc gia (Nhật Bản, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Israel, Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Singapore, Trung Quốc, Phần Lan, Belarus…và Việt Nam).Trải qua quá trình phản biện nghiêm túc với các nhà khoa học quốc tế, hội nghị đã chấp nhận 35 công trình được trình bày tại hội nghị. Tỷ lệ chấp nhận là 51%.
Các nhà khoa học hàng đầu đã tới trình bày báo cáo mời (keynote) tại hội nghị, gồm GS. Ryuichi Oka – Hiệu trưởng trường ĐH Aizu, Nhật Bản với báo cáo “Kiến trúc tính toán trường cho các thuật toán về trí tuệ nhân tạo và xử lý mẫu thông minh”; GS. Chong-Min Kyung, Viện nghiên cứu Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) với báo cáo “Mở rộng tầm nhìn thông qua việc hợp tác nghiên cứu và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cảm biến thông minh”; GS. Hans G. Kerkhoff, Đại học Twente, Hà Lan với báo cáo “Phương pháp đảm bảo độ tin cậy cao trong tương lai đối với hệ thống trên chip nhúng đa lõi xử lý”; Giáo sư Nguyễn Văn Tâm, Đại học Telecom Paris Tech, Pháp và INTEK, Việt Nam với báo cáo “Tính toán và truyền thông nhận thức: Giải pháp bổ sung cho điện toán đám mây trong lĩnh vực IOT”. Ngoài ra, hội nghị cũng có bài giảng về “Học cách nắm bắt được chuyển động cơ thể với phép cảm biến quán tính trong 3 tiếng”.
GS. Ryuichi Oka trình bày báo cáo “Kiến trúc tính toán trường cho các thuật toán về trí tuệ nhân tạo và xử lý mẫu thông minh”
Hội nghị nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp như Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, Hiệp hội Kỹ sư Điện – Điện tử Hoa Kỳ (IEEE, IEEE Computer Society, IEEE Vietnam Section, IEEE SSCS Vietnam Chapter) và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước như Viettel, Avnet, Synopsys, DxCorr, ASIC, Dolphin. Phòng thí nghiệm Trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh là đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn. Phiên bế mạc diễn ra vào ngày 14/09/2018.
(Theo UET-News)
- Log in to post comments