Đào tạo tiến sỹ là bậc đào tạo cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học. Ở bậc đào tạo này, người học (NCS) không phải lên lớp nhiều mà chủ yếu là tập trung làm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Chính vì thế, các yếu tố như môi trường nghiên cứu, công bố quốc tế, hợp tác quốc tế trong đào tạo là rất quan trọng. Bài báo này sẽ trình bày các khía cạnh trên trong điều kiện cụ thể ở Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
Trường ĐHCN tạo ra môi trường tiếp cận chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sỹ. Nghiên cứu sinh (NCS) tham gia vào nhóm nghiên cứu của giảng viên (GV), qua đó tham gia đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Các hoạt động xê-mi-na khoa học được thực hiện thường xuyên với sự tham gia tích cực của NCS nhằm tăng cường trao đổi và chia sẻ tri thức. Bên cạnh đó, NCS được hỗ trợ kinh phí tham dự hội thảo quốc gia, quốc tế, kinh phí xuất bản từ nhiều nguồn khác nhau: đề tài khoa học của GV, các nguồn hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ công bố khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted), ... Bên cạnh nhiệm vụ chính là nghiên cứu, NCS cũng tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo như trợ giảng, giảng dạy thực hành, ... Qua các hoạt động này, nguồn lực cho đào tạo của Nhà trường được tăng cường cũng như củng cố sự gắn kết giữa NCS và đơn vị đào tạo.
Công bố quốc tế chiếm đa số trong tổng số công bố của NCS. 100% NCS có bài báo quốc tế trước khi bảo vệ, trong đó 50% có bài trong tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus. Nhằm tăng cường yếu tố quốc tế, nhà trường có hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Đặc biệt, nhà trường đã mời các GS nước ngoài tham gia đồng hướng dẫn khoảng 20% NCS trong những năm vừa qua. Mối quan hệ hợp tác này là rất quan trọng về mặt chất lượng công bố, hỗ trợ NCS, cũng như sự giao lưu học thuật trong và ngoài nước. Nhiều NCS có GS nước ngoài đồng hướng dẫn được tạo điều kiện đi thực tập nghiên cứu ở nước ngoài từ 2-6 tháng.
Trong năm 2017, Trường ĐHCN đã thiết lập được các hợp tác quan trọng với Đại học Công nghệ Sydney (Úc) và Công ty cổ phần công nghệ FPT trong đào tạo tiến sỹ thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông. Theo đó, các NCS giỏi sẽ được chọn tham gia chương trình đào tạo liên kết này. NCS làm nghiên cứu toàn thời gian, được hỗ trợ học bổng hằng tháng lên tới 20 triệu đồng/tháng, được sang Úc học tập, nghiên cứu trong 1-1,5 năm và được xem xét cấp bằng tiến sỹ của Đại học Công nghệ Sydney. Yêu cầu về công bố cũng sẽ cao hơn mặt bằng chung, trong đó đặc biệt là cần có bài báo tại các hội thảo quốc tế có uy tín (top conferences) và tạp chí khoa học uy tín. Đây là mô hình mới trong đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam.
- Log in to post comments